Các tình huống cố định trước đây từng là điểm sáng trong lối chơi của đội tuyển Anh dưới thời HLV Gareth Southgate.
Từ năm 2018 đến 2022, đội tuyển Anh đã chơi kiểm soát bóng nhiều hơn khi Gareth Southgate liên tục thực hiện những sự thay đổi trong việc triển khai đội hình từ 3-4-3 sang 4-3-3 và ngược lại. Tuy nhiên, suốt khoảng thời gian nắm quyền của mình, đội tuyển Anh của Southgate vẫn cho thấy một mặt khác trong lối chơi của họ.
Trong hai kỳ World Cup gần đây (2018 và 2022) và EURO (2020 và 2024), Anh đã ghi 13 bàn từ các tình huống cố định: 6 bàn từ tình huống phạt góc, 4 bàn từ phạt đền, 2 bàn từ đá phạt trực tiếp hướng thẳng về cầu môn và một từ đá phạt ở phía bên cánh. Đây là số bàn thắng từ tình huống cố định cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác (đội xếp thứ 2 là Tây Ban Nha chỉ có 9 bàn từ tình huống cố định), và chiếm 42,5% số bàn thắng của đội tuyển Anh trong các giải đấu đó.
Tuy nhiên, thành tích ghi bàn từ tình huống cố định của Anh tại World Cup 2018 đóng góp rất lớn vào thống kê này.Tỷ lệ tung ra một cú dứt điểm từ các tình huống cố định và tỷ lệ kết thúc các tình huống cố định bằng một cú sút của đội tuyển Anh đã giảm dần trong ba giải đấu gần đây nhất. Tính đến World Cup 2022 thì nguyên nhân của sự sụt giảm tỷ lệ tung ra một cú sút từ tình huống cố định có thể là do sự cải thiện trong lối chơi bóng sống của đội tuyển trong khi vấn đề còn lại (tỷ lệ kết thúc tình huống cố định bằng một cú sút) là một vấn đề cần phải khắc phục.
Trên thực tế, đội tuyển Anh tại World Cup 2018 không phải là thước đo tiêu chuẩn. Không có đội tuyển nào tại World Cup hay EURO kể từ thời điểm đó ghi được nhiều bàn thắng từ các tình huống cố định hoặc tạo ra cơ hội ghi bàn (dựa theo chỉ số bàn thắng kỳ vọng – xG) hơn đội tuyển Anh đã làm được trên đất Nga. Năm 2018, chất lượng các tình huống cố định của đội tuyển Anh đã bù đắp tương đối nhiều cho những vấn đề họ gặp phải khi chơi bóng sống. Tất cả 5 bàn thắng mở tỷ số của đội tuyển Anh tại World Cup 2018 đều xuất phát từ các tình huống cố định: bàn thắng trước Tunisia (vòng bảng), bàn thắng trước Panama (vòng bảng) và Thụy Điển (tứ kết); 1 quả phạt đền của Harry Kane trước Colombia (vòng 1/8) và cú sút phạt đẹp mắt của Kieran Trippier trước ĐT Croatia (bán kết).
Nhưng phải đến tận tứ kết của EURO 2020, đội tuyển Anh mới ghi bàn thêm được 1 bàn thắng từ tình huống cố định. “Những quả treo vào của chúng tôi chưa thực sự tốt. Chúng tôi đã trải qua 4 hoặc 5 trận mà không có bất kỳ bàn thắng nào từ tình huống cố định và đó là vấn đề mà cả đội cần cải thiện” – Gareth Southgate nói sau giai đoạn vòng bảng. Sau đó, đội tuyển Anh làm tốt hơn khi họ ghi được 2 bàn từ các tình huống cố định trong trận thắng 4-0 trước Ukraine. Ngày hôm đó, Harry Maguire đã ghi bàn từ một pha đá phạt cố định ở bên phía cánh trái của Luke Shaw và bàn còn lại được ghi bởi Jordan Henderson từ một tình huống phạt góc.
Tại World Cup 2022, đội tuyển Anh có 2 bàn từ các tình huống cố định tại vòng bảng. Đầu tiên là cú đá volley nửa nảy của Bukayo Saka sau pha đánh đầu chuyền bóng của Harry Maguire (tình huống xuất phát từ pha đá phạt góc của Luke Shaw bên cánh trái) trong trận mở màn gặp ĐT Iran. Bàn tiếp theo được thực hiện bởi Marcus Rashford sau khi anh có một cú sút phạt đẹp mắt vào lưới của ĐT Xứ Wales. Ở vòng tứ kết, Harry Kane ghi thêm một bàn từ tình huống phạt đền trước ĐT Pháp trước khi anh bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn tương tự trên chấm 11m để khép lại trận thua 1-2 trước Les Bleus.
Một phần của sự thú vị trong cách chơi của đội tuyển Anh trong 3 giải đấu đầu tiên dưới thời Gareth Southgate, đặc biệt là World Cup 2018 chính là sự kết hợp giữa tính bất ngờ và khả năng bất khả chiến bại trong các tình huống cố định. Chiến thuật “bến xe bus” được đặt tên bởi HLV các tình huống cố định khi đó là Alan Russell. Về cơ bản chiến thuật này sẽ tập hợp các cầu thủ xếp hành một hàng dọc và sau đó sẽ tách ra theo các hướng khác nhau khi cầu thủ đá phạt chạm bóng. Phong cách khá dị này đã khiến Harry Maguire và John Stones trở nên khó bị theo kèm hơn bởi các cầu thủ đối phương. Phương pháp này cũng đồng thời cho phép đội tuyển Anh có những người yểm trợ (screens) để mở ra hướng di chuyển rõ ràng hơn cho các cầu thủ còn lại.
Và quả thật chiến thuật “bến xe bus” của đội tuyển Anh đã tạo ra hiệu quả ở rất nhiều pha bóng cố định khi họ tạo tiền đề cho Harry Maguire được thi đấu 1vs1 ở trong vòng cấm địa của đối phương. Việc các cầu thủ chạy tán loạn trong vòng cấm sau khi cầu thủ đá phạt chạm bóng sẽ giúp ĐT anh tăng cường được sự bao phủ và tối đa hoá cơ hội có được pha chạm bóng đầu tiên của họ trong vòng cấm của đối phương (việc này cũng giúp Anh có khả năng kiểm soát tốt các pha bóng hai). Nhưng trên hết là chiến thuật rất đặc biệt này của ĐT Anh giúp họ kéo các hậu vệ của đối phương ra xa khỏi khu vực điểm nóng. Ở trong những pha 1 đấu 1 trong vòng cấm của đối phương, nếu được mở ra không gian để không chiến thì gần như Maguire có thể đánh bại mọi đối thủ của mình.
Những pha tạt bóng vào trong của đội tuyển Anh cũng hỗ trợ khá tốt cho chuyện này: kiểu đá phạt góc thẳng của Ashley Young từ những pha phạt góc bên cánh trái (dành cho cầu thủ thuận chân phải) và kiểu đá phạt góc xoáy ra ngoài (outswingers) của Trippier từ những quả phạt góc bên cánh phải giúp trái bóng sẽ bay lơ lửng trong không trung trước khi tìm đến đầu của các cầu thủ tham gia không chiến. Việc này cho phép Maguire và Stones có thời gian để thoát khỏi sự kèm cặp và điều chỉnh hướng di chuyển của mình khi họ thực hiện pha không chiến để chạm bóng. 6 năm trôi qua và giờ vấn đề của tuyển Anh gặp phải không thể rõ ràng hơn. Họ đã không có HLV phạt góc Alan Russell (HLV này chia tay với tuyển Anh trước thềm EURO 2020) và cũng không có cả Maguire để tận dụng những pha lật vào. Cuối cùng là họ cũng chưa thể cho Luke Shaw ra sân để thực hiện những pha lật bóng từ bên phía cánh trái.
Điều này giống với việc một đội bóng tại NFL cố gắng chạy một theo một phong cách cố định mà không có trong đội hình một quarterback và người nhận bóng hàng đầu. Harry Maguire (12 lần đón bóng) và John Stones (10 lần đón bóng) là hai điểm đến hàng đầu cho những pha bóng bổng từ hai hướng phạt góc của ĐT Anh dưới thời Gareth Southgate (22 lần/28 tình huống).
Có thể nói ở EURO lần này, ĐT Anh đã có sự mất mát khá lớn về khả năng không chiến của Harry Maguire. Việc không chiến tốt không chỉ giúp Maguire có thể ghi bàn cho mà nó còn giúp anh thực hiện những pha đánh đầu chuyền bóng cho đồng đội. Việc Maguire bị chú ý bởi khả năng không chiến vô tình sẽ mở ra khoảng không gian để John Stones có thể luồn lách trong hàng phòng ngự của đối phương mà không bị kèm cặp quá rát. Chính vì thế, khi không có một người không chiến mạnh mẽ như Maguire trong các tình huống bóng cố định, John Stones lại trở thành mục tiêu chính để đối thủ thực hiện sự kèm cặp. Về vóc dáng của cả hai có thể gần như nhau nhưng rõ ràng Stones không thể đem lại mối nguy hiểm từ không chiến như Harry Maguire đã từng làm.
Tương tự, Phil Foden thay thế Shaw thực hiện những quả phạt cố định cũng làm giảm đi chất lượng những quả tạt của đội tuyển Anh. Foden có thể là một trong những cầu thủ sút bóng tốt nhất của nước Anh vào thời điểm này, đặc biệt từ những khoảng không gian bên ngoài vòng cấm địa. Nhưng khả năng thực hiện các tình huống cố định của Foden lại không thực sự ổn định. Anh chàng sinh năm 2000 của Man City thực hiện hai quả phạt góc quá mạnh trong cuộc đối đầu với Slovakia ở vòng 1/8 trong vòng vỏn vẹn có 2 phút. Foden sau đó đã có một đường chuyền chính xác cho Kane từ một pha bóng cố định bên cánh trái, nhưng tiếc là đội trưởng của đội tuyển Anh lại đánh đầu ra ngoài trong sự tiếc nuối. Tưởng chừng pha bóng chuẩn xác đó giúp Foden có cảm giác tạt tốt hơn thì sau đó anh lại liên tục tạt bóng vào vị trí mà thủ môn Dubravka có thể dễ dàng bắt bóng.
Trong 214 quả phạt góc của Foden ở Premier League kể từ đầu mùa giải 2018-19, chỉ có 27 quả đá phạt góc (~13%) dẫn đến các cú sút và chỉ có hai tình huống dẫn đến bàn thắng. Đáng chú ý, hai bàn thắng từ pha đá phạt góc của Foden đều xuất phát từ những quả phạt góc hướng ra ngoài (out-swinging) và đều dành cho một người là Nathan Ake. HLV Gareth Southgate thực sự đã thích sự cân bằng giữa những quả phạt góc cuộn vào trong hoặc xoáy ra ngoài sau World Cup 2018. Ông gần như loại bỏ phương án đá những quả phạt góc hướng thẳng về phía cầu thủ di chuyển trong vòng cấm.
“Chúng tôi sẽ tạo ra sự khác biệt, đội tuyển Anh sẽ phải tìm ra những chiến lược khác,” Southgate nói trước kỳ Euro này sau khi nhận thức rõ về sự vắng mặt của Maguire trong danh sách mang tới nước Đức. Trong trận đấu gặp Slovakia ở vòng 1/8, đội tuyển Anh bắt đầu bằng những quả phạt góc có độ cuộn lên trên tầm với của Dubravka. Pha phạt góc như vậy có thể gây nguy hiểm cho đối phương nhưng việc cản trở khả năng di chuyển của Dubravka từ Marc Guehi đã khiến trọng tài phải cắt còi và thổi phạt. Trong khoảng thời gian sau đó, đội tuyển Anh chuyển từ việc đá những quả phạt góc có độ xoáy ra ngoài thành những quả phạt góc có độ cuộn vào trong.
Kieran Trippier luôn là một cầu thủ quan trọng trong thành phần của đội tuyển Anh dưới thời Gareth Southgate tham dự các giải đấu lớn. Mùa giải trước mặc dù Trippier đã khiến người ta phải đặt ra dấu hỏi về phong độ thi đấu của anh nhưng về cơ bản chất lượng từ những pha bóng cố định của cầu thủ này là vẫn đủ tốt. Diego Simeone – HLV trưởng của Atletico Madrid đã cho phép Trippier thực hiện hầu hết các quả phạt góc có độ xoáy ra ngoài (outswingers) khi hậu vệ người Anh còn thi đấu tại Tây Ban Nha.
Dưới thời của Eddie Howe tại Newcastle, Trippier đã đá phạt góc bằng nhiều kiểu đa dạng hơn so với hồi thi đấu tại Atletico Madrid. Trippier thực hiện đá góc thẳng về phía trung tâm vòng cấm (30 lần) nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào ở Premier League trong ba mùa giải vừa qua. Đúng là ĐT Anh có thể không có Maguire nhưng họ không thể nào thiếu đi sự nguy hiểm từ những pha bóng phạt góc có chiều hướng bay thẳng về khu vực cấm địa. Harry Kane, Marc Guehi, Jude Bellingham và thêm vào đó là Declan Rice đều là những cầu thủ có chiều cao và có khả năng không chiến rất tốt để tận dụng những pha phạt góc kiểu này.
Tuy nhiên lại có một vài sự khó hiểu trong cách bố trí vai trò của các cầu thủ trong một tình huống phạt góc của đội tuyển Anh. Mặc dù Gareth Southgate chuyển sang sử dụng nhiều quả phạt góc cuộn vào trong (inswingers) nhưng ông lại chưa bao giờ cho phép Rice hay Saka là người giữ vai trò thực hiện phạt góc cả. Cặp đôi này hiện thi đấu cho Arsenal – một đội bóng có chiến lược rất rõ ràng trong các tình huống cố định từ những đường bóng cuộn vào trong. Nhưng rốt cuộc, Southgate vẫn không chọn một trong hai đá góc.
Tiếp đến, đội tuyển Anh hoàn toàn có thể sử dụng Harry Kane nhiều hơn ở vị trí cột xa – nơi mà anh thường xuyên ghi những bàn thắng cho Tottenham từ những pha phạt góc ở mùa giải 2022/23. Nhưng Southgate không nghĩ như vậy, ông bố trí cho Harry Kane vào một vai trò gần như giống với Harry Maguire để phối hợp với John Stones thực hiện tranh chấp ở các quả phạt góc cuộn vào trong cột gần hoặc các quả phạt góc xoáy ra ngoài khu vực chấm đá phạt đền.
Đội tuyển Anh có hai quả đá phạt góc khá thú vị ở EURO 2024. Trước một hệ thống kèm người chặt chẽ của Slovenia, họ đã thực hiện một chiến thuật để các cầu thủ giả vờ chạy áp sát cột gần (Marc Guehi để tạo khoảng trống cho Declan Rice di chuyển ở cột xa. Động tác giơ tay gần như đồng bộ của Kane và Stones trước khi Trippier thực hiện đá phạt cho thấy Anh đã có một chiến lược cụ thể cho pha set-up này. Guehi giả vờ áp sát cột gần, Harry Kane hút người còn Stones sẽ lui ra rìa vòng cấm khi Trippier thực hiện đá phạt.
Adam Cerin của Slovenia ở pha bóng này đã tỏ ra rất tỉnh táo khi tiến đến và thực hiện kèm cặp với Declan Rice khi anh có pha chạy vào khoảng trống ở khu vực cột xa. Declan Rice sau đó đã phạm lỗi với Cerin trong tình huống nỗ lực nhảy lên đánh đầu. Nhưng đó rõ ràng làm một tình huống 1vs1 trên không mà đội tuyển Anh có lợi thế trước đối thủ (Declan Rice cao hơn Adam Cerin). Đội tuyển Anh ở pha bóng này có rất nhiều cầu thủ sẵn sàng nhập thành ở cột gần để tạo cho Rice những phương án chuyền bóng trả lại khu vực cấm địa. Nhưng tiếc là Rice chưa thể chạm bóng và đã phạm lỗi với Cerin khi di chuyển vào khoảng trống. Về cơ bản chiến thuật đá góc của ĐT Anh đã vận hành tốt mặc dù không có một cú dứt điểm nào để kết thúc pha bóng.
Xuất phát từ một tình huống phạt góc gần như tương tự nhưng đối thủ giờ đây của Anh là hàng phòng ngự của Đan Mạch. Cú tạt bóng từ bên phía cánh phải của Jarrod Bowen đã vận hành theo một cách tương tự như quả góc với Slovenia. Đan Mạch chủ động chơi phòng ngự khu vực, đặc biệt là ở vị trí cột gần – nơi mà đội tuyển Anh có thể tạo ra nhiều áp lực về mặt quân số. Chiến thuật dường như nhắm đến một pha đánh đầu về hướng cột gần để cầu thủ đánh đầu ghi bàn trực tiếp hoặc hướng đến vị trí cột xa mà Ollie Watkins có thể xâm nhập và thực hiện một pha bóng trả ngược về khu vực cột gần. Nhưng rốt cuộc phương pháp này vẫn chưa thực sự cho ra một kết quả đáng kể khi Đan Mạch là đội đầu tiên chạm bóng.
Theo nhiều phân tích khác nhau thì chúng ta có thể thấy chiến thắng của tuyển Anh trước Slovakia có cảm giác giống như họ đã trở lại với thời kỳ của năm 2018. Theo nhận định của Southgate thì hiện giờ đội tuyển Anh đang thiếu đi những pha bóng chất lượng từ bóng sống và họ cũng phải đụng độ với những đội chơi mid-block 4-1-4-1 như dự đoán ban đầu. Mặc dù nhận ra vấn đề khó khăn khi đối đầu với khối đội hình như thế ĐT Anh vẫn chưa tìm được ra một phương án nào đủ hiệu quả để hoá giải mọi thứ.
Các tình huống cố định đã trở lại để giúp ĐT Anh thoát chết trong gang tấc trước Slovakia. Nhưng xét về tình hình chung thì nó trông không giống với những gì diễn ra tại 3 giải đấu gần đây. Cú bắt volley đẹp mắt của Jude Bellingham xuất phát từ một pha ném biên mạnh của Kyle Walker ở bên cánh phải và bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 của Harry Kane lại đến từ một pha bóng khá lộn xộn trong vòng cấm sau một tình huống cố định được thực hiện bởi Cole Palmer bên cánh phải. Đúng là những bàn thắng này được tính hợp lệ cho ĐT Anh nhưng kết quả đó lại không trùng khớp với những gì họ đã luyện tập và tổ chức trước đó.
Sau cảm giác hưng phấn từ bàn thắng của Bellingham, chúng ta lại tự hỏi rằng: Tại vì sao mà đội tuyển Anh lại không thực hiện nhiều hơn những pha ném biên mạnh vào thẳng khu vực cấm địa của đối phương ở những giải đấu trước đây?
“Với những pha ném biên mạnh vào trong, chúng tôi hy vọng có thể gây ra một vài sự hỗn loạn cho đối thủ,” Southgate nói về bàn thắng của Bellingham. Dù Southgate có thái độ thận trọng đến đâu, hay luôn tỏ ra sợ hãi trước những pha phản công từ đối phương thì ông cũng phải nhìn thấy được giá trị mà những pha bóng tương tự như của Bellingham có thể mang lại, đặc biệt là khi Anh đang gặp khó khăn trong việc chơi bóng sống ở giải đấu lần này. Kyle Walker hiện tại gần như là một người tiệm cận nhất tới việc trở thành chuyên gia trong những pha ném biên mạnh như vậy. Nhìn chung Walker không phải là một người ném biên mạnh một cách hay nhất nhưng kỹ thuật của anh là đủ tốt để thực hiện nhiệm vụ này.
Công bằng mà nói đội tuyển Anh và huấn luyện viên Southgate có kết quả không tốt trong các tình huống cố định ở vòng bảng không phải là điều bất thường, vì nhiều đội khác cũng gặp vấn đề tương tự. Tổng số bàn thắng từ các tình huống cố định đã giảm so với năm 2020, cho thấy rằng nhiều đội bóng khác cũng không đạt được hiệu suất cao trong việc tận dụng các tình huống cố định. Hai trận đấu đầu tiên của đội tuyển Anh gặp khó khăn vì phải đối đầu với những đội có lối chơi phòng ngự chặt chẽ với sơ đồ 3 trung vệ (Serbia và Đan Mạch) và những tiền đạo số 9 rất mạnh về khả năng không chiến (Aleksandar Mitrovic và Rasmus Hojlund). Điều này làm cho việc ghi bàn từ các tình huống cố định trở nên khó khăn hơn đồng thời giải thích phần nào lý do vì sao đội tuyển Anh không có kết quả tốt từ các tình huống cố định trong các trận đấu này.
Dù có những khó khăn đã được nêu ra như trên, các tình huống cố định (set pieces) vẫn đang trở thành một lĩnh vực mà đội tuyển Anh dường như đã mất đi bản sắc và ngày càng phụ thuộc vào sự xuất sắc của các cá nhân – điều đã thể hiện rất rõ ràng khi Slovakia tổ chức chơi phòng ngự khu vực. Hiệu suất từ các tình huống cố định của Anh không nhất thiết phải trở lại mức như năm 2018, nhưng với việc họ nằm ở nhánh đấu “dễ thở” hơn khiến cho thầy trò Southgate có thể đối mặt với các hàng phòng ngự vững chắc hơn thay vì những đội tuyển có các pha tổ chức tấn công chất lượng cao. Do đó, các tình huống cố định có thể trở thành yếu tố quyết định trong việc giành chiến thắng trong các trận đấu về sau này của ĐT Anh tại EURO 2024.
Theo Liam Tharme – NY Times
127 bài viết
Link nguồn: Link