Về mặt chiến thuật, sự thất vọng và tính hấp dẫn của bóng đá cấp ĐTQG tựu chung đều xuất phát từ cùng một khái niệm: Một HLV bị mắc kẹt với một nhóm cầu thủ cụ thể và rất hạn chế trong quá trình lựa chọn nhân sự cho đội bóng của mình. Trong khi những điểm yếu ở bóng đá cấp CLB có thể dễ dàng được giải quyết bằng những bản hợp đồng mới đến từ bất cứ nơi đâu, thì ở sân chơi bóng đá quốc tế, bạn phải chấp nhận thích nghi với chúng.
Và do đó, các nhà cầm quân cấp ĐTQG thường sẽ gặp phải một vấn đề nan giải chung trong khâu sắp xếp vị trí thi đấu của các cầu thủ: Tại một vị trí nọ, liệu bạn sẽ giao phó nó cho một cầu thủ tuy không ở cùng đẳng cấp với các đồng đội quanh mình nhưng bù lại thì anh ta đã quen với việc chơi tại đấy, hay bạn sẽ đưa một cầu thủ đẳng cấp thế giới vào vai trò đó bất chấp nó chẳng phải là vị trí tối ưu của anh ta và yêu cầu anh ta phải tự điều chỉnh để thích nghi với chỉ đạo này?
Thật đáng ngạc nhiên, ít nhất là trong 2 thập kỷ qua, những bài học đến từ đấu trường bóng đá quốc tế lại toàn là về phương án thứ hai.
Southgate cũng đã đứng trước câu hỏi hóc búa này, và nó nằm ở cánh trái. Sẽ là hơi thiếu sót nếu chúng ta quên đi một sự thật rằng Southgate đã sẵn lòng bỏ qua 3 cầu thủ vừa có thể chơi thoải mái tại vị trí đó, vừa có thành tích thi đấu tốt trong màu áo Tam Sư – Marcus Rashford, Jack Grealish và Raheem Sterling. Phong độ của 3 ngôi sao này tại CLB đã khiến họ bị loại khỏi danh sách nhân sự tham dự Euro 2024, và quyết định này chẳng khác gì một canh bạc đầy mạo hiểm. Tuy nhiên, nó lại hoà hợp với mong muốn của hầu hết các cổ động viên: Việc triệu tập nhân sự được thực hiện “dựa trên phong độ họ đang thể hiện” thay vì “danh tiếng”.
Trong danh sách nhân sự của Southgate có 2 cầu thủ quen thuộc với việc đá ở vị trí cánh trái của hàng công là Anthony Gordon và Eberechi Eze.
Gordon vừa có một mùa giải đáng khen ngợi ở Newcastle, và anh chủ yếu gây ấn tượng bằng tốc độ và lối đá trực diện, còn Eze thì sẽ ngay lập tức khiến bạn kinh ngạc bất cứ khi nào bạn xem anh thi đấu, mặc dù những chấn thương đã khiến số lần đá chính của anh ở Premier League mùa trước chưa đến 2/3 số trận đấu của Crystal Palace. Tuy nhiên, Eze không hẳn là một cầu thủ chạy cánh trái thuần tuý, chuẩn chỉ; anh thường tỏ ra thoái mải hơn khi chơi tiền vệ số 8 hoặc số 10. Vì thế, tuy là một kỳ tài rê bóng, nhưng anh không hẳn là một sự lựa chọn phù hợp hoàn hảo cho vai trò này.
Và chúng ta có thể dễ dàng hiểu được lý do vì sao Southgate quyết định để Phil Foden đảm nhận vị trí đó. Ngôi sao của Man City vừa được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất Premier League, ai mà lại chẳng muốn tìm mọi cách để đưa anh vào sân đấu cơ chứ! Harry Kane, vua phá lưới của Bundesliga 2023-24, hiển nhiên sẽ chiếm lĩnh vai trò số 9. Jude Bellingham, cầu thủ xuất sắc nhất La Liga 2023-24, “sắm vai” tiền vệ số 10 – vị trí được cho là phù hợp nhất dành cho anh. Còn Bukayo Saka chính là cầu thủ tấn công nguy hiểm nhất của tuyển Anh trong hiệp một trận đấu với Serbia từ cánh phải sở trường. Vì thế, Southgate chỉ còn cánh trái để lắp Foden vào dù nó chẳng phải vị trí tối ưu của anh – một sự thoả hiệp về khâu chiến thuật.
Đối với một số người hâm mộ đội tuyển Anh, chuyện này chắc hẳn đã gợi lại cho họ những ký ức về thuở Paul Scholes được bố trí đá ở cánh trái tại Euro 2004. Vào thời điểm ấy, đây là một quyết định hoàn toàn hợp lý của Sven-Goran Eriksson, nhưng sau này lại bị xem là một ví dụ tiêu biểu về một mảnh ghép chiến thuật khiên cưỡng, bị bêu rếu như một trò hề bởi những người chẳng thèm đếm xỉa gì đến bối cảnh thời đó.
Trước hết, Scholes đã có 2 năm thi đấu tệ hại khi khoác áo ĐTQG Anh và là cầu thủ mà nhiều CĐV muốn loại bỏ nhất. Nước cờ này của Sven-Goran Eriksson là minh chứng cho niềm tin của ông vào tiền vệ này và quyết tâm giữ anh lại trong đội hình chính. Thứ hai, trong vài mùa giải trước đó, Scholes đã nhiều lần thể hiện xuất sắc khi chơi ở cánh trái của Manchester United, và chính anh cũng đã thường xuyên thừa nhận chuyện này.
Thứ ba, khi ấy Scholes vẫn chưa phải là một tiền vệ kiến thiết lùi sâu mà có lối đá mang thiên hướng một tiền vệ tấn công. Thứ tư, hồi ấy Steven Gerrard và Frank Lampard đều là những cầu thủ đá thấp hơn nhiều so với hình ảnh sau này, và vào thời điểm đó thì việc kết hợp 2 người họ thành một cặp đôi tiền vệ trung tâm là hoàn toàn khả thi trên giấy tờ. Thứ 5, những pha dâng cao chồng biên của Ashley Cole sẽ tạo điều kiện cho tiền vệ cánh trái của tuyển Anh di chuyển bó vào phía trong sân đấu. Thứ sáu, thực ra thì Eriksson từng muốn sử dụng một đội hình tiền vệ kim cương, nhưng các cầu thủ không muốn chơi theo cách đó và đã thuyết phục ông chuyển sang dùng đội hình tiền vệ 4 người phẳng. Thứ bảy, và cũng là quan trọng nhất, đội tuyển Anh đã thực sự chơi tốt ở Euro 2004 và, nếu Wayne Rooney không phải bỏ lỡ cuộc chơi vì chấn thương, họ hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa thay vì phải dừng chân ở vòng tứ kết.
Dù sao đi nữa, chủ đề chung luôn được mang ra “mổ xẻ”, châm biếm trong những cuộc bàn luận về các thất bại của bóng đá Anh là họ không thể nhìn ra các ĐTQG khác đã đạt được thành công bằng cách nào, đã làm tốt những việc gì để được như vậy. Tuy nhiên, hãy nhìn lại đội hình thi đấu của các ĐTQG đã đạt được vinh quang trên đấu trường bóng đá quốc tế – chủ yếu là ở World Cup – bạn sẽ thấy một điểm chung kỳ lạ, đó là họ đều bố trí các tiền vệ trung tâm chơi ở cánh trái – giống như Tam Sư đã làm ở Euro 2004.
Đối với đội tuyển Italy ở World Cup 2006 là Simone Perrotta, người vốn là một tiền vệ box-to-box thuận chân phải ở Roma. Tại vị trí này, anh đã thường xuyên di chuyển vào phía trong sân đấu, còn nhiệm vụ cung cấp chiều rộng đội hình thì được giao cho hậu vệ cánh trái Fabio Grosso.
Đối với ĐTQG Tây Ban Nha ở World Cup 2010 là Andres Iniesta, người tuy không thích đá cánh nhưng thỉnh thoảng đã phải làm thế, đặc biệt là trong các trận đấu lớn, cho Barcelona của Pep Guardiola. Trên thực tế, kế hoạch ban đầu của Tây Ban Nha là để tiền đạo trung tâm David Villa chơi ở đó, nhưng cuối cùng anh vẫn được đá ở trung lộ vì tình trạng sa sút phong độ nghiêm trọng của Fernando Torres.
Việc Iniesta đảm nhận một vai trò thiên nặng về tấn công và thực hiện các pha di chuyển vào trung lộ từ cánh đã tạo ra hiệu quả tốt, bao gồm bàn thắng mang về chức vô địch cho La Roja trong trận chung kết.
Tiếp theo là trường hợp đội tuyển Đức ở World Cup 2014. Mesut Ozil muốn đá tiền vệ số 10, nhưng các vấn đề chiến thuật khác đã khiến Joachim Low phải chuyển từ đội hình 4-2-3-1 sang dùng 4-3-3, và thế là trong trung lộ chẳng còn chỗ dành cho vai trò sở trường của Ozil nữa. Anh đã trông có vẻ hơi không thoải mái khi phải đá cánh trái, và chẳng khác nào một “kẻ ngoài cuộc” trên sân đấu trong trận đại thắng 7-1 trước đội tuyển Brazil, với việc hầu hết các bàn thắng của Đức đều đến từ cánh phải.
Dù vậy, đây vẫn là ví dụ về chuyện một tiền vệ đẳng cấp thế giới có sở trường đá trung lộ được đưa sân đấu bằng cách gò anh ta vào cánh trái tại một ĐTQG thành công, và đây là một quyết định chiến thuật có khuynh hướng mang tới tác dụng tích cực.
Đối với đội tuyển Pháp ở World Cup 2018 là Blaise Matuidi. Với cách đá giống với Perrotta hơn là Iniesta và Ozil, tức là chơi với thiên hướng một “công nhân” thay vì một cầu thủ sáng tạo, anh đã mang tới sự cân bằng để cho phép Kylian Mbappé ở cánh bên kia thoải mái chuyên tâm vào nhiệm vụ tấn công.
Nhà vô địch World Cup 2022 là một trường hợp ngoại lệ – Angel Di Maria đã tỏa sáng rực rỡ trong trận chung kết khi đảm nhận vai trò một cầu thủ chạy cánh trái thuần túy cổ điển. Nhưng ngay cả chi tiết chiến thuật này cũng là một điều bất ngờ. Trước đó, người ta đã dự đoán rằng anh sẽ xuất trận ở cánh phải. Và tiền vệ cánh trái của Argentina trong các trận đấu ở giai đoạn knock out chính là Alexis Mac Allister.
Nhìn lại những nhà vô địch gần đây của Euro, chúng ta cũng sẽ rất khó tìm được một tiền vệ cánh trái chuẩn chỉ. Đối với Tây Ban Nha của các năm 2008 và 2012, họ đã để Iniesta hoặc David Silva chơi ở đó. Bồ Đào Nha của năm 2016 thì sử dụng một hàng tiền vệ hình kim cương, nhiệm vụ cung cấp chiều rộng đội hình được giao cho hậu vệ cánh hoặc nhờ cậy vào những tình huống di chuyển dạt ra cánh trái của Cristiano Ronaldo. Tương tự, đối với Italy của Euro 2020, Lorenzo Insigne là người đảm nhận cánh trái của hàng công, thi đấu với khuynh hướng liên tục di chuyển bó vào phía trong sân đấu, còn nhiệm vụ cung cấp chiều rộng đội hình thì do hậu vệ cánh Leonardo Spinazzola đảm nhận.
Tóm lại, rất khó để tìm được một tiền vệ cánh trái chuẩn chỉ trong đội hình của các nhà vô địch trên đấu trường bóng đá quốc tế thuộc thế kỷ này. Việc sử dụng Foden ở cánh trái có thể khiến một số người nhớ lại trường hợp của Paul Scholes rồi kết luận rằng chuyện này sẽ chỉ dẫn tới một thất bại thảm hại, nhưng chúng ta cũng hoàn toàn có thể liên hệ nó với trường hợp của Iniesta hoặc Ozil.
Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể lập luận rằng đội hình tuyển Anh hiện tại chẳng hợp để trực tiếp áp dụng cách sắp đặt đó – và bạn cũng sẽ có một luận cứ mang sức nặng lớn để củng cố cho quan điểm của mình, đó là việc hậu vệ cánh trái chất lượng cao duy nhất của Tam Sư là Luke Shaw chẳng đủ thể lực để đá chính. Nhưng nếu Southgate cương quyết kiên định với nước cờ này, vậy thì thay vì để Foden đá cánh trái, có lẽ Bellingham sẽ là sự lựa chọn hợp lý hơn.
Trong giai đoạn đầu của trận thắng Serbia, có vẻ như họ đã được chỉ đạo hoán đổi vị trí cho nhau. Trong tình huống dưới đây, Bellingham đang cầm bóng ở cánh trái, còn Foden thì bó vào trung lộ…
Và vào đầu hiệp hai, Bellingham cũng đã dành nhiều thời gian để chơi ở cánh trái hơn Foden.
Cần nhớ rằng, mặc dù Bellingham đã bắt đầu cuộc phiêu lưu ở Real Madrid với vai trò một số 10 hoặc số 9 ảo, nhưng anh đã kết thúc mùa giải với việc thường xuyên chơi ở cánh trái, còn Vinicius Junior và Rodrygo thì tạo thành một cặp tiền đạo trung tâm.
Trên hết, nếu ý tưởng của Southgate là cầu thủ đá cánh trái sẽ liên tục di chuyển vào trung lộ, qua đó tuyển Anh sẽ có hai cầu thủ hoạt động ở vùng không gian giữa 2 tuyến tiền vệ và hậu vệ đối thủ, thì chúng ta chắc chắn nên xem hệ thống đó là điểm khởi đầu cho các lập luận, chứ không phải chuyện ai là người “sắm vai” tiền vệ số 10 và ai đá cánh trái “trên giấy tờ”. Và việc hoán đổi vị trí của hai người họ với nhau có nghĩa là Foden rốt cuộc sẽ được trở lại với cánh phải sở trường, còn Bellingham thì chuyển sang cánh trái, nơi mà anh cũng đã chơi rất tốt ở Madrid. Cuối cùng, họ sẽ chủ yếu dành thời gian để chơi ở những vị trí như thế này…
Hệ thống này chắc hẳn trông hơi kỳ quặc đối với nhiều người, và việc để người hùng mang áo số 10 của đội tuyển Anh đá cánh trái trong trận đấu tiếp theo chắc chắn sẽ dẫn tới những lời chỉ trích, bất kể màn trình diễn của anh và họ có như thế nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, ví dụ về Paul Scholes tại Euro 2004 không nên được mang ra dẫn chứng như điềm báo về một chiến dịch thất bại.
Nhiều ĐTQG khác cũng từng thực hiện nước cờ này – và nó thường mang tới cho họ những thành tựu lớn lao.
Theo Michael Cox, The Athletic.
754 bài viết
Link nguồn: Link